Bên cạnh những băn khoăn về bộ máy, mẫu mã hay chất liệu, mặt kính đồng hồ cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định chọn mua đồng hồ của nhiều người. Câu hỏi đặt ra là liệu có những loại ốp kính thông dụng nào? Đặc điểm của chúng ra sao? Hãy đọc bài hướng dẫn dưới đây để có được những thông tin hữu ích về bộ phận quan trọng này nhé!
Các loại ốp kính đồng hồ thông dụng
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều các loại mặt kính đồng hồ nếu dựa theo phân loại cụ thể nhưng 3 loại ốp kính thông dụng nhất là kính Acrylic, kính khoáng và kính Sapphire. Mỗi loại đều có những đặc tính khác nhau và các ưu nhược điểm cần được lưu ý. Trước hết, hãy cùng tìm hiểu xem cấu tạo của ba loại kính này là gì:
Ba loại ốp kính đồng hồ thông dụng nhất
Kính Acrylic
Đôi khi còn có cái tên chuyên ngành khác là “Plexiglass” hay kính Mica, tinh thể Acrylic về cơ bản là một loại nhựa chuyên dụng (Polymethyl Methacrylate) được sử dụng rộng rãi đến những năm 1980. Loại ốp kính này thường thấy nhất ở các mẫu đồng hồ phổ thông giá rẻ hoặc là đồng hồ dành cho trẻ em.
Kính khoáng (Mineral Glass)
Đây là loại mặt kính đồng hồ thông dụng nhất được sử dụng bởi hầu hết các nhà sản xuất đồng hồ trên thế giới. Kính khoáng được làm từ silica và đạt 5/10 trên thang đo độ cứng Mohs. Ngoài làm ốp kính cho các dòng đồng hồ phổ thông đến trung cấp, kính khoáng còn được sử dụng làm kính xe ô tô, kính cửa sổ,...
Kính Sapphire
Hầu hết kính Sapphire được tìm thấy trong đồng hồ đeo tay thực sự là Sapphire tổng hợp (nhân tạo). Về mặt kỹ thuật, đây là nhôm oxit kết tinh trong suốt được sản xuất trong phòng thí nghiệm. Sapphire tổng hợp không có màu sắc nhưng có các thuộc tính vật lý giống với Sapphire tự nhiên và đây cũng là loại mặt kính đồng hồ được trang bị cho những cỗ máy cao cấp và tối tân bậc nhất.
Đặc điểm của các loại mặt kính đồng hồ?
Kính Acrylic
Vì bản chất là nhựa nên kính Acrylic dẻo, trong suốt và rất nhẹ. Chính vì đặc tính này mà những chiếc đồng hồ trang bị kính Acrylic tuy khó vỡ nhưng không có khả năng chống trầy, dễ tạo ra các vết xước qua những tiếp xúc vật lý thông thường. Nhưng bù lại, người ta có thể dễ dàng đánh bóng kính Acrylic để làm mới lại chúng và đây cũng là loại kính có giá thành rẻ nhất trong các loại ốp kính đồng hồ.
Ưu điểm:
• Khó vỡ
• Dễ dàng đánh bóng
• Giá thành rẻ
Nhược điểm:
• Rất dễ bị trầy xước
• Độ bền thấp
• Không có tính thẩm mỹ cao
Kính khoáng (Mineral Glass)
Những nhược điểm của kính Acrylic đã dẫn đến sự ra đời của kính khoáng trong chế tạo đồng hồ, đây được xem là loại kính có khả năng chống phản xạ tốt, không gây trở ngại cho việc quan sát giờ dưới môi trường có quá nhiều ánh sáng. Với độ cứng đạt 5/10, kính khoáng có khả năng chống trầy xước tốt hơn rất nhiều so với kính Acrylic. Tuy nhiên, dưới điều kiện nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, kính khoáng có thể bị nứt hoặc vỡ..
Ưu điểm:
• Chống va đập tốt
• Chống trầy xước tốt hơn Acrylic
• Ít phản xạ ánh sáng
Nhược điểm:
• Khả năng chịu nhiệt kém
• Nếu bị trầy xước nghiêm trọng thì rất khó để đánh bóng mà phải thay mới.
Kính Sapphire
Đây được xem là mặt kính đồng hồ cứng nhất hiện có khi đạt 9/10 trên thang đo Mohs - chỉ đứng sau kim cương. Chính vì thế mà rất khó để làm trầy kính sapphire, thậm chí nếu dùng các vật sắc nhọn. Khả năng chống chịu các tác động vật lý và độ trong suốt vượt trội khiến nó trở thành sự lựa chọn hoàn hảo cho những chiếc đồng hồ cao cấp.
Ưu điểm:
• Độ bền vượt trội
• Khả năng chống trầy xước tốt nhất
• Có tính thẩm mỹ cao
Nhược điểm:
• Không thể xóa các vết xước (nếu xảy ra) bằng việc đánh bóng
• Giá thành cao
• Vì độ trong suốt nên rất dễ xảy ra tình trạng phản xạ ánh sáng
Làm thế nào để phân biệt các loại ốp kính đồng hồ?
Nếu bạn mua các mẫu đồng hồ chính hãng từ cửa hàng đồng hồ Luxury Shopping, tất cả những thông tin cần thiết về cỗ máy của bạn sẽ được nhà cung cấp trình bày rõ ràng, bao gồm cả loại kính được trang bị. Ngoài ra bạn cũng có thể phân biệt được các loại ốp kính đồng hồ bằng cách sử dụng máy móc và kỹ thuật tiên tiến. Trong một vài trường hợp, nếu bạn tò mò muốn kiểm tra thì có thể tham khảo một số mẹo dưới đây:
Dùng nhiệt độ để cảm nhận
Đưa tấm kính áp lên má, nếu cảm thấy ấm thì đây chính là kính acrylic vì bản chất của loại vật liệu này là nhựa, trong khi kính khoáng và tinh thể Sapphire sẽ cho cảm giác mát lạnh hơn. Tuy nhiên, việc phân biệt kính khoáng và Sapphire là hoàn toàn không thể trong trường hợp này nếu bạn không cố thử làm trầy hai loại mặt kính.
Dùng nước
Đây là cách phân biệt kính khoáng và kính Sapphire thường được các chuyên gia đồng hồ sử dụng. Đầu tiên, bạn nhỏ một giọt nước lên bề mặt kính, nếu nước vẫn đọng lại ở dạng giọt thì rất có thể đó chính là kính Sapphire. Nếu là kính khoáng, nước có xu hướng chảy xuống và lan rộng.
Dùng âm thanh
Đây chỉ là cách phân biệt các loại mặt kính đồng hồ mang tính tham khảo do độ chính xác chưa được đảm bảo bởi các chuyên gia. Nếu bạn dùng tay gõ lên mặt kính và nghe thấy âm thanh trầm thấp phát ra thì có thể đó chính là kính Sapphire, ngược lại, nếu âm thanh phát ra cao hơn thì đó là kính khoáng.
Nhìn chung, tùy theo sở thích và túi tiền mà bạn có thể chọn cho mình một chiếc đồng hồ có mặt kính phù hợp. Hiểu rõ đặc tính của các loại ốp kính đồng hồ sẽ giúp quá trình bảo dưỡng chúng diễn ra hiệu quả hơn, đồng thời góp phần giữ cho cỗ máy của bạn luôn mới và bền đấy!
Bình luận - Phản hồi